Bước vào cột mốc vàng ở tháng thứ 9, bé yêu của Mẹ bắt đầu tò mò và tự tin hơn nhờ vào sự phát triển toàn diện của não bộ. Bé có thể trở nên hứng thú hơn với việc cầm nắm, chuyển đồ chơi từ tay này qua tay kia hoặc nhận diện đúng tên các đồ vật. Việc tập sử dụng các ngón tay là nền tảng để bé có thể thực hiện những công việc đòi hỏi sự khéo léo, tập trung giải quyết vấn đề ở những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trò chơi Lấy ra - Bỏ vào cho bé

Để làm được điều đó, chính Mẹ là huấn luyện viên tuyệt vời để hướng dẫn bé cầm nắm thả đồ vật thành thạo hơn. Trò chơi “Lấy ra – Bỏ vào” đơn giản, dễ thực hiện như dưới đây hàng ngày có thể giúp con luyện tập kỹ năng vận động, biết quan sát và ghi nhớ tốt hơn.

Mục đích của trò chơi trí tuệ cho bé "Lấy ra - Bỏ vào"

Luyện cho bé khả năng tập trung A+ để cầm/ nắm/ thả một vật một cách thành thạo.

Chuẩn bị cho bé

• Không gian: ở nhà, trong phòng.

• Một chiếc hộp giấy hoặc thau/ mẹt lớn.

• Một số đồ vật quen thuộc như khối gỗ màu, thú bông, quyển sổ tay…

Các bước chơi trò "Lấy ra - Bỏ vào" với bé

1. Mẹ hãy để chiếc hộp trước mặt bé và kể về trò chơi mà hai mẹ con sắp chơi với nhau nha!

2. Mẹ cầm từng đồ vật nhỏ và hướng dẫn bé cho món đồ mẹ đưa vào hộp trước mặt bé. Mẹ nhớ hãy nói thật chậm tên của từng món đồ mẹ nha!Cứ thế cho tới khi mẹ không còn món đồ gì để đưa cho bé và bé thả hết đồ mẹ đưa vào hộp.

3. Mẹ hãy cùng bé lắc chiếc hộp để mọi thứ bên trong kêu, vừa lắc vừa nói “úm ba la xì bùa”, sau đó đổ hết đồ đạc ra ngoài.

4. Mẹ xòe tay ra và nói bé đưa mẹ một món đồ gì đó, sau khi bé đưa cho mẹ, mẹ cầm và bỏ vào chiếc hộp. Mẹ đừng quên khuyến khích và hướng dẫn để bé tìm đúng món đồ mẹ nha!

Kết quả đạt được 

• Bé nhặt một đồ vật nào đó, dù chỉ là bằng 2 ngón tay theo kiểu “gọng kìm”.

• Bé biết cách thả một đồ vật.

Lời khuyên cho Mẹ

Bé có thể đưa một vật không đúng thứ mẹ đã yêu cầu nhưng mẹ đừng lo lắng vì giai đoạn này bé chỉ cần biết cách nhặt/ nắm/ thả là được. Mẹ cũng đừng buồn nếu vì thế mà cho rằng sự tăng trưởng của bé không hoàn toàn tuân theo những cột mốc chuẩn. Trong giai đoạn này, tốc độ phát triển của bé sơ sinh cũng sẽ theo nhịp độ riêng, và không giống bất cứ ai khác.

Bên cạnh đó, Mẹ có thể cùng bé chơi một số trò chơi tác động khác, giúp phát triển 4 khía cạnh não bộ của của bé như:

- Chơi trò tìm “kho báu”: Giấu một món đồ chơi trong tấm chăn và hỏi bé món đồ ấy đã biến đi đâu. Bé sẽ bắt đầu tìm kiếm món đồ chơi mất tích. Trước giai đoạn này, món đồ nào ra khỏi tầm mắt đồng nghĩa ra khỏi tâm trí của bé. Khi bé tìm thấy, bạn hãy cổ vũ con: “Ồ, đây rồi!”.

- Cho đồ chơi vào bồn/chậu tắm: Đặt con ngồi trong bồn tắm với mực nước vài centimet cùng với vài món đồ chơi (loại có thể nhúng nước) để bé tập ngồi và chơi cùng lúc. Bạn cần ở ngay bên cạnh giám sát không rời bước.

- Cho bé tiếp xúc với hình thức chơi luân phiên nhau: Lăn bóng về phía bé hoặc xếp các hình khối lên nhau rồi phá đổ, sau đó đến lượt bé thực hiện. Trò chơi đổi phiên này dạy bé biết tương tác xã hội.

- Thường xuyên trò chuyện với con: Bé sẽ chú ý hơn nếu bạn dùng cách nói chuyện cường điệu và biểu cảm trên gương mặt. Hãy chỉ những người, vật, địa điểm mà bạn và con bắt gặp. Ở giai đoạn này, bé đã hiểu nhiều những gì bạn nói thông qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và ngữ cảnh.

Chúc Mẹ và bé sẽ có những giây phút vui chơi thật bổ ích nha!