phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 5 tháng tuổi
 
Lên 5 tháng tuổi, con bạn gần như có thể tự ngồi một mình. Bạn nên dùng vài tấm đệm hoặc gối để chêm cho con. Có rất nhiều hoạt động vui nhộn để giúp trẻ tập ngồi trong giai đoạn này.

Giúp trẻ 5 tháng tuổi phát triển toàn diện

 

Lên 5 tháng tuổi, con bạn gần như có thể tự ngồi một mình. Bạn nên dùng vài tấm đệm hoặc gối để chêm cho con. Có rất nhiều hoạt động vui nhộn để giúp trẻ tập ngồi trong giai đoạn này.

 

phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 5 tháng tuổi
 

Trò chơi giúp trẻ 5 tháng tuổi phát triển trí não 

Chơi trốn tìm đơn giản: Hãy giấu một món đồ chơi trong chăn và để con đi tìm. Có thể trẻ chưa biết cách tìm đồ vật, nhưng về sau, trò chơi này giúp trẻ hiểu khái niệm tồn tại của một vật thể nào đó.
Tập dõi theo mục tiêu: Cầm một chiếc lục lạc giơ trước mặt trẻ khoảng 20cm và từ từ gần lại, khuyến khích trẻ dõi mắt nhìn theo khi bạn di chuyển món đồ với tốc độ nhanh – chậm khác nhau. Trẻ sẽ bắt đầu với tay chộp lấy, dù chưa thể thực hiện chính xác.
Tập tương tác với gương: Bế trẻ đứng trước gương và cùng nhìn vào hình ảnh phản chiếu. Trẻ bắt đầu chú ý rằng người trong gương cử động giống hệt hai mẹ con.
Tiếp tục hoán đổi đồ chơi: Thỉnh thoảng, bạn nên hoán đổi các món đồ chơi trên xe đẩy hoặc nơi trẻ ngồi chơi. Chọn các món kêu chút chít, phát ra tiếng lục lạc leng keng, phát nhạc hoặc các âm thanh khác. Bạn có thể cho con chơi các hình khối bằng gỗ hoặc nhựa và những chiếc chuông. Nên mua đồ chơi có hình dáng, kích cỡ và chất liệu phong phú, chẳng hạn trơn láng, gồ ghề, mỏng, dày… Trẻ sẽ dùng tay và miệng để khám phá. Mỗi sự tương phản sẽ cung cấp cho trẻ thêm dữ liệu mới.

Bài tập phát triển kỹ năng vận động của trẻ 5 tháng tuổi

Bắt đầu tập cho trẻ nảy người: Nhẹ nhàng bế trẻ trong tư thế ngồi lên đùi bạn, hướng mặt về phía bạn và cho trẻ nảy người nhè nhẹ. Trò chơi này là một bài tập tốt trong giai đoạn này, giúp trẻ điều khiển đầu và cổ.
 
Ngồi vững hơn: Mỗi ngày, bạn nên dành thời gian để tập cho trẻ ngồi. Trẻ có thể ngồi một mình, tự chống tay trước mặt trong tư thế con ếch hoặc kiềng ba chân. Nếu trẻ không làm thế, bạn hãy dùng vài tấm đệm, gối hình chữ U để chèn cho trẻ hoặc để trẻ ngồi tựa vào góc ghế sofa. Luôn quan sát con và đặt gối, nệm mềm mại xung quanh, phòng khi con ngã.
 
Làm quen với bàn chân: Bế trẻ trong tư thế đứng sao cho chân chạm sàn để trẻ có thể cảm nhận được trọng lượng cơ thể trên đôi chân.
 
Thưởng cho nỗ lực của trẻ: Đặt một món đồ chơi bên cạnh trẻ, cách xa tầm tay một chút khi trẻ trong tư thế nằm sấp. Việc cố gắng với lấy món đồ sẽ giúp trẻ tự tìm được cách lật.
 
Cho con một chiếc lục lạc: Đặt lục lạc vào tay và khuyến khích trẻ nắm lấy. Bài tập này giúp trẻ học cách cảm nhận trọng lượng và hoạt động của món đồ. (Ở thời điểm này, trẻ vẫn chưa chủ động làm được những điều đó).
 

Cách giúp trẻ 5 tháng tuổi phát triển cảm xúc

Chú ý những gì trẻ thích và không thích: Tính cách của con bạn sẽ ngày càng thể hiện rõ từ giai đoạn này. Trẻ có món đồ hay trò chơi yêu thích nào? Hãy cố gắng giúp con chơi đùa và tương tác với những gì trẻ yêu thích.
 
Nhảy múa với con: Được mẹ bế trên tay, trẻ sẽ thêm cảm giác an toàn, đồng thời động tác đu đưa, lắc lư của bạn sẽ làm trẻ thấy dễ chịu, thư giãn.
 
Tạo nề nếp giờ đi ngủ: Điều này sẽ giúp trẻ học cách ổn định và tự ngủ.Chẳng hạn khi cho bé ngủ bạn sẽ cho bú rồi hát ru... Đưa trẻ vào giường khi bé còn thức nhưng hơi buồn ngủ, nhẹ nhàng xoa lưng và cho con cầm núm vú (nếu trẻ đang dùng núm vú) để giúp trẻ dễ ngủ hơn.
 

Giúp trẻ 5 tháng tuổi phát triển kỹ năng giao tiếp

Kể câu chuyện của trẻ: Bằng giọng kể tươi vui, ấm áp, bạn hãy tường thuật các hoạt động của trẻ trong ngày. Nói với trẻ khi bé đang ăn, đang tắm, thay quần áo, mọi hoạt động…
 
Gọi tên mọi vật: Nói cho trẻ biết tên mọi món đồ mà bé nhìn thấy, chẳng hạn: sách, con mèo, mẹ, bồn tắm, ghế…
 
Hát cho con nghe: Lắng nghe lời ca trong âm nhạc cũng là cách luyện tập ngôn ngữ có lợi cho trẻ. Bạn có thể hát bất kỳ bài nào, từ các giai điệu thiếu nhi đến những bản nhạc pop. Hoặc bạn cũng có thể tự sáng tác những khúc nhạc vui về những gì bạn đang làm lúc tắm cho con, thay tã… Trẻ sẽ không hề bận tâm bạn có hát đúng tông, đúng điệu hay không.
 
Tận hưởng giờ đọc sách mỗi ngày: Bạn không nhất thiết phải đọc từ trang đầu đến trang cuối mà chỉ cần đọc vài trang, chỉ vào một vài hình ảnh và giải thích cho trẻ: “Nhìn ông mặt trời này con”, “Bông hoa này”, “Con gì đây? Ồ, một con cún!”…
 
Khuyến khích các cuộc đối thoại: Khi những tiếng bi bô của trẻ ngày càng phức tạp hơn và bắt đầu nghe gần giống như từ hoặc câu, bạn hãy đáp lại như thể đã hiểu rất rõ những gì con nói. Cố gắng thu hút trẻ vào cuộc đối thoại qua lại.


Tìm hiểu thêm: Các phương pháp hỗ trợ sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi