phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 2 tháng tuổi
 
Bạn có trò chuyện với con theo kiểu nhấn nhá không? Một số ông bố bà mẹ lo ngại rằng, nói chuyện với trẻ 2 tháng tuổi theo kiểu giả giọng trẻ con sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng cách nói chuyện đó lại có những lợi ích đáng kể, nhất là khi người mẹ dùng cách nói này.

Giúp trẻ phát triển toàn diện ở 2 tháng tuổi

 

Trẻ ở tháng thứ hai sẽ tiếp tục chạm đến những mốc phát triển mới. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách thức để bạn có thể tác động, giúp cho trẻ phát triển toàn diện.

 

phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 2 tháng tuổi
 
Bài tập giúp trẻ 2 tháng tuổi phát triển trí não
Tiếp tục tác động vào đúng thời điểm: Hãy tận dụng thời gian trẻ thức giấc. Trẻ tập trung tốt hơn khi không mệt và đói bụng.
Thay đổi đồ chơi: Bạn nên đổi mới các món đồ chơi của trẻ lẫn những món treo trên nôi theo định kỳ, như thế trẻ sẽ không cảm thấy chán. Giai đoạn này, con bạn thích những món đồ có hoa văn trang trí và màu sắc tương phản mạnh.
Trang trí phòng trẻ: Treo các bức tranh nhiều màu sắc trong tầm mắt, gần nôi hoặc bàn thay tã để con dễ nhìn thấy. Giai đoạn này, trẻ nắm bắt màu sắc tốt hơn, nhất là những gam màu tương phản mạnh như các gam đỏ tươi, vàng, xanh lục, so với các gam màu pastel (màu nhạt)
Tiếp tục giao tiếp bằng ánh mắt với trẻ: Mặc dù giờ đây trẻ có thể nhìn thấy các hình dáng phức tạp hơn, nhưng khuôn mặt của những người xung quanh vẫn là “chủ đề” yêu thích nhất. Vì thế, bạn nên thường xuyên giao tiếp bằng ánh mắt với con ở khoảng cách trẻ có thể nhìn thấy. Hãy thử thể hiện nhiều biểu cảm trên gương mặt khi trò chuyện với trẻ. Chẳng hạn: há to miệng, cười rộng miệng hoặc nhướn mày. Các hành động này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ. Ngoài ra, bạn cũng thử treo một chiếc gương trong phòng. Trẻ thích nhìn những khuôn mặt, dù lúc này vẫn chưa phân biệt được hình bóng phản chiếu qua gương..
Kích thích kỹ năng vận động cho trẻ 2 tháng tuổi
Cho trẻ chơi trong tư thế nằm sấp: Khi trẻ thức giấc, bạn có thể cho trẻ nằm sấp và đặt một món đồ chơi nhiều màu sắc hoặc phát ra tiếng nhạc trước mặt. Nhấc món đồ chơi lên cao một chút để trẻ ngẩng đầu nhìn theo. Hoạt động này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển các cơ vùng cổ.
 
Chơi trò “liên hệ nhân – quả”: Cho trẻ mang vớ (tất) có đính những chiếc chuông nhỏ hoặc lục lạc (cần đảm bảo những chiếc chuông này không làm trẻ trầy xước và phải luôn quan sát con khi mang vớ này). Khi đá chân, trẻ sẽ nghe thấy âm thanh phát ra. Đây là bước đầu tiên để trẻ nhận biết cử động của mình chính là nguyên nhân của tiếng chuông lanh canh, leng keng (kết quả).
 
Giúp trẻ 2 tháng tuổi phát triển cảm xúc
Tạo cho con cảm giác an toàn: Thường xuyên bế trẻ ra khỏi nôi và ôm con vào lòng. Luôn có mặt kịp thời khi trẻ cảm thấy bức rức, khó chịu.
 
Mỉm cười khi trẻ cười với bạn: Điều này không chỉ khích lệ trẻ cười vui mà còn dạy trẻ biết cách kết nối và trò chuyện.
 
Để con thoải mái: Cho trẻ một chiếc núm vú hoặc cứ để con mút tay nếu đó là hành động tự nhiên của trẻ. Phản xạ mút giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và mang lại sự thoải mái. Con bạn đã mút tay từ khi còn trong bụng mẹ. Thật ra, đây là điều bạn nên khuyến khích vì có lợi cho sự phát triển về mặt cảm xúc của trẻ.
 
Xoa bóp nhẹ nhàng: Dùng một ít dầu em bé để massage cho con và đảm bảo trẻ thấy ấm người. Cách này làm tăng cảm giác an toàn cho trẻ.
 
Bài tập phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 2 tháng tuổi
Tiếp tục chuyện trò: Bạn nên thường xuyên trò chuyện với con. Kể với trẻ về một ngày của bạn, hát cho con nghe các giai điệu hoặc bài hát thiếu nhi hoặc nếu muốn, bạn có thể nói với trẻ chuyện ngày hôm nay nóng, lạnh thế nào cũng được. Đừng quên nhìn trẻ khi nói chuyện để trẻ có thể ngắm khuôn mặt bạn. Nếu muốn, bạn cũng có thể dùng cách nói chuyện nhấn nhá (còn gọi là ngôn ngữ của trẻ). Trẻ đặc biệt phản ứng nhanh với kiểu nói sau: nhấn mạnh ở từ đầu và lên giọng ở từ cuối trong câu hỏi (chẳng hạn: CHÀO con, BÉ ơi! CON chơi có VUI KHÔNG?).  Trẻ sẽ phản ứng tích cực hơn với giọng nói của mẹ nhờ những đoạn cao giọng ấy.
 
Khuyến khích con “nói chuyện”: Bạn hãy thể hiện sự phấn khích khi trẻ bi bô hoặc phát ra bất kỳ âm thanh nào. Bạn cũng có thể bắt chước giọng của trẻ nhưng nên dùng những từ có nghĩa.
 
Tiếp tục đọc sách cho con nghe: Hãy nhớ rằng ở giai đoạn này, đọc loại sách nào không quan trọng bằng việc nghe ngữ điệu của ngôn ngữ và giọng nói của mẹ.
 
Thoải mái dùng ngôn ngữ thứ hai: Trẻ có một khả năng kỳ diệu là nắm bắt không chỉ một ngôn ngữ. Và trẻ được nghe song ngữ cũng sẽ bắt kịp các cột mốc về giao tiếp như trẻ khác, tại cùng thời điểm. Vì thế, bạn không cần lo lắng rằng mình sẽ làm con bị rối hoặc chậm nói.
 

 

Tìm hiểu thêm: Phương pháp hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ 3 tháng tuổi