Bạn hãy cho trẻ 16-18 tháng tuổi một sự cân bằng hợp lý giữa tự lập và an toàn.

phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 16 đến 18 tháng tuổi
 
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một sự tương quan mạnh mẽ giữa số từ vựng mà trẻ dưới 3 tuổi nghe được từ cha mẹ hoặc người thân với chỉ số IQ và thành tích ở trường học. Vì thế trò chuyện với con hàng ngày là điều rất quan trọng giúp trẻ học giỏi sau này.
Đối với trẻ tuổi này, thử thách leo cầu thang cũng giống như khi người lớn đứng trước một ngọn núi – đầy thách thức và phấn khích. Nhưng không ai leo núi đá lởm chởm một mình cả, và trẻ cũng không nên leo lên hay tuột xuống cầu thang mà không có sự giám sát của người lớn. Bạn hãy để cho con tự tìm cách leo lên (và có cảm giác mạo hiểm cũng như thỏa mãn khi hoàn thành), nhưng luôn có mặt ở đó, đề phòng con té ngã. Hãy nhớ rằng khi ở bên cạnh con lúc trẻ thử nghiệm mọi kỹ năng vận động, bạn đã cho trẻ một sự cân bằng hợp lý giữa tự lập và an toàn – một điều trẻ cũng rất cần để phát triển

Giúp trẻ 16-18 tháng phát triển toàn diện

 

Trong 6 tháng đầu mới biết đi, trẻ phát triển năng động hơn từng giờ. Làm thế nào để khuyến khích sự phát triển của trẻ? Ngoài việc đảm bảo cho trẻ nguồn dinh dưỡng theo nhu cầu hàng ngày, dưới đây là các hoạt động giúp trẻ tăng trưởng nhanh ở nhiều khía cạnh: khả năng nhận thức, kỹ năng vận động, kỹ năng giao tiếp và cảm xúc.

 

phương pháp tác động giúp phát triển trí não cho trẻ 16 đến 18 tháng tuổi
 

Trí thông minh của trẻ 16-18 tháng tuổi

Yêu cầu con thực hiện những nhiệm vụ nho nhỏ: Khi trẻ đã có thể đáp lại các mệnh lệnh “một bước”, bạn hãy yêu cầu con làm những việc đơn giản như: “Hôn bố một cái”, “Mang cho mẹ quả bóng”, “Chỉ mẹ xem con cún đâu nào!”…
Tập đưa ra những quyết định đơn giản: Chẳng hạn, bạn có thể đưa cho trẻ hai món đồ chơi để chọn hoặc đố trẻ giữa hai khối có hình dáng khác nhau, cái nào lắp vừa ô trống.
Khuyến khích con bỏ đúng chỗ và biết phân loại: Chuẩn bị một số rổ, hộp hoặc thùng chứa đầy đồ chơi, chẳng hạn thùng chứa các hình khối, thùng chứa thú bông, thùng chứa xe hơi đồ chơi. Trẻ sẽ thích thú đổ hết ra sàn, phân loại và bỏ lại đúng thùng ban đầu.
Chơi trò nhập vai: Bạn có thể dùng đồ chơi hoặc thậm chí sử dụng đồ thật. Hãy cùng con giả vờ nói chuyện với nhau qua điện thoại giả, nấu ăn và bán hàng với bộ đồ chơi bếp núc hoặc xây nhà bằng các khối vuông và bộ đồ nghề kìm búa bằng nhựa.
Hạn chế trò chơi điện tử: Tương tác trực tiếp với người thật (có thể nhìn mặt, nghe giọng nói và quan sát các cử chỉ), cũng như với đồ vật có thể sờ, lúc lắc, cho vào miệng gặm… sẽ giúp tăng kỹ năng nhận thức ở trẻ nhiều hơn so với việc chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính.

Kỹ năng vận động của trẻ 16-18 tháng tuổi

Cho trẻ leo cầu thang dưới sự giám sát của người lớn: Ở giai đoạn này, hầu hết trẻ sẽ kết hợp giữa đi và bò để leo lên cầu thang, sau đó tuột xuống bằng bàn chân và mông. Bạn chỉ cần ở sát cạnh bên để kịp thời hỗ trợ nếu con bị trượt ngã. Trẻ sẽ thu được kinh nghiệm leo thang và tự tin hơn để tiếp đến có thể tự đi một mình.
 
Khuyến khích trẻ di chuyển: Nếu con bạn chưa biết đi, hãy sắp xếp ghế và các vật cứng sát lại với nhau để trẻ có thể khám phá khắp nơi bằng cách vịn bước từ chỗ này sang chỗ khác. Bạn cũng có thể đứng lùi cách con vài bước khi trẻ đang đứng chựng và cầm đồ chơi vẫy vẫy để khích lệ trẻ bước tới.
 
Giữ bình tĩnh: Hãy cố gắng không biểu lộ sự sợ hãi, hoảng hốt hoặc la lối om sòm khi trẻ chập chững bước đi và té ngã – điều vốn không thể tránh khỏi. Nếu bạn tỏ ra quan tâm đúng mực, không quan trọng hóa vấn đề, trẻ sẽ nghĩ chuyện này cũng bình thường thôi và tự đứng dậy, bước đi tiếp.
 
Tập cho trẻ biết lật sách: Cứ để con bạn lật sách khi bạn đang đọc cho bé nghe. Cách này rất tốt để trẻ luyện kỹ năng vận động. Đầu tiên, hãy bắt đầu từ các trang sách bằng giấy bìa cứng. Về sau, trẻ sẽ dần lật được những trang giấy mỏng.  
 
Hát những bản nhạc thiếu nhi có thể làm điệu bộ theo: Có rất nhiều bài hát “kinh điển” để bạn chọn, chẳng hạn: Năm ngón tay ngoan, Một con vịt, Bài tập buổi sáng, Cá vàng bơi, Đội kèn tí hon, Rửa mặt như mèo…
 

Cảm xúc của trẻ 16-18 tháng tuổi

Soi gương: Hai mẹ con cùng đứng trước một tấm gương lớn (thấy hết từ đầu đến chân) và quan sát trẻ dần tìm hiểu hình ảnh phản chiếu kia chính là mình. Xoa đầu hoặc vỗ tay với con để trẻ vừa cảm nhận vừa quan sát điều gì đang diễn ra.
 
Chấp nhận lời từ chối của trẻ: Đừng ngạc nhiên khi con bạn bắt đầu từ chối những gì bạn quyết định thay cho trẻ, từ việc cho trẻ mặc gì, ăn gì đến chơi gì. Đòi quyền lợi cho bản thân bằng cách nói không chính là một dấu hiệu tốt cho thấy trẻ đang phát triển cảm nhận về bản thân. Bạn có thể hỗ trợ bằng cách để trẻ làm theo ý mình khi cần, và tránh xung đột không cần thiết giữa mẹ và con.
 
Đừng bắt trẻ chia sẻ: Lúc này, con bạn chưa nắm bắt được khái niệm chia sẻ, do đó trẻ sẽ gặp mâu thuẫn với bạn bè khi giành đồ chơi. Tốt hơn hết, bạn hãy đánh lạc hướng con bằng một món đồ hoặc trò chơi thú vị khác, thay vì bắt trẻ phải chia sẻ.
 

Kỹ năng giao tiếp của trẻ 16-18 tháng tuổi

Trò chuyện, trò chuyện và trò chuyện! Đây là một trong những việc tốt nhất bạn có thể làm để tăng cường kỹ năng giao tiếp và trí thông minh của trẻ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một sự tương quan mạnh mẽ giữa số từ vựng mà trẻ nghe được từ cha mẹ hoặc người thân đến độ tuổi lên 3 và hai chỉ số IQ, thành tích ở trường.
 
Đáp lại các điệu bộ của trẻ: Khi trẻ giơ tay đòi bế, chỉ một món đồ hoặc lắc đầu nói không, phản ứng của bạn sẽ xác nhận cử chỉ của trẻ có ý nghĩa và khuyến khích con về mặt giao tiếp. Đừng lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng dùng từ vựng của trẻ mà hãy xem các điệu bộ, cử chỉ chính là bàn đạp để trẻ học giao tiếp bằng lời. Và ngay lúc này, hãy để con thoải mái ra dấu, làm điệu bộ tùy thích để trẻ không khóc quấy.
 
Dùng điệu bộ đi kèm lời nói: Hành động này sẽ giúp mở rộng vốn từ về “ngôn ngữ cơ thể” cho trẻ và giúp trẻ hiểu ý nghĩa của những gì bạn nói. Ví dụ, khi bạn nói: “Đến đây nào!”, hãy vẫy tay ra hiệu. Khi bạn bảo con: “Ngồi xuống”, hãy vỗ vỗ vào chỗ ngồi bên cạnh. Khi nói: “Đưa cho mẹ cái tách”, hãy xòe tay ra.